Kế hoạch tiết kiệm 5 năm lần thứ nhất đã đổ bể, tiếp tục đến kế hoạch tiết kiệm 5 năm lần thứ hai…
Nhà của Tiểu Anh
Bạn đã bao nhiêu lần quyết tâm sẽ tiết kiệm, thậm chí đã nghĩ ra 1 viễn cảnh tươi đẹp là: cầm búa đập lợn đất, số tiền đổ ra có thể đè bạn (suýt) chết bẹp mà đến vài tháng sau nhìn lại, lợn đất của Bạn vẫn đói nguyên như ngày đầu chưa?
Có khi nào Bạn còn quên luôn kế hoạch tiết kiệm “hoành tráng” ngày nào, khéo đến lúc Bạn tìm ra cuốn sổ ghi lại những dòng “THÁNG NÀY KHÔNG ĐỂ ĐƯỢC X TRIỆU QUYẾT KHÔNG…LÀM NGƯỜI”, thì đã vài năm trôi qua rồi không biết chừng.
Yên tâm đi, thực ra có rất nhiều giống như Bạn ở ngoài kia, đầu tháng nói nhất định phải tiết kiệm nhưng cuối tháng tài khoản tiết kiệm vẫn bằng 0. Hãy cùng Mình điểm mặt chỉ tên 5 sai lầm trong tiết kiệm mà rất nhiều Bạn mắc phải nhé.
Mục lục
1. Tiết kiệm sau chi tiêu
Chi tiêu trước, còn thừa bao nhiêu sẽ để tiết kiệm. Chỉ cần mình tháng này tiêu bớt đi một chút là được rồi.
Bạn có thấy quen không? Đây là thói quen và suy nghĩ của rất nhiều Bạn khi lập kế hoạch tiết kiệm. Bạn vẽ ra một bản kế hoạch vô cùng hoàn hảo, kiểu như: Mình sẽ không uống trà sữa để tiết kiệm, chỉ uống vào chủ nhật thôi. Cửa hàng quần áo X có bộ sưu tập mới vào tuần sau, mình hứa sẽ chỉ mua một chiếc áo phông thôi. Tối nay phải đi siêu thị mua đồ ăn, ngoài thức ăn ra mình sẽ không mua thêm gì nữa…
Với từng đấy nỗ lực, cuối tháng nhất định sẽ tiết kiệm được bằng từng này tiền!
Thực tế: Hôm nay thèm trà sữa quá, cuối tuần sao đến lâu vậy, tận hai ngày nữa. Mình đã nhịn cả ba ngày rồi, thôi mình quyết định sẽ uống một cốc vào hôm nay, một tuần 2 cốc cũng chẳng ảnh hưởng gì đến kế hoạch tiết kiệm cả.
Ui, bộ sưu tập lần này của X đẹp quá đi mất, cái nào cũng hợp với mình. Thôi mình sẽ mua trước cho cả mùa luôn, đằng nào chẳng phải mua để mặc!
*Khệ nệ xách túi to túi bé những thứ đồ không cần thiết từ siêu thị về*
🧡💛💚 Lời khuyên cho Bạn: Tiết kiệm một phần trước, còn lại mới để tiêu. Cho tiền vào tài khoản tiết kiệm ngay sau khi được phát lương hoặc ngay khi có khoản thu nhập mới là cách làm hiệu quả nhất. Việc tiết kiệm trước chi tiêu sẽ giúp Bạn tránh được những cám dỗ phát sinh khi trong ví vẫn còn tiền. Hãy để ra tất cả số tiền Bạn cần dùng cho những chi tiêu thiết yếu trước, và phần còn lại chính là phần Bạn có thể tiết kiệm. 🧡💛💚
2. Không có mục tiêu tiết kiệm rõ ràng
Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến Bạn thất bại trong việc tiết kiệm. Rất nhiều Bạn thường nghĩ là cứ có bao nhiêu thì tiết kiệm bấy nhiêu thôi, được bao nhiêu thì được, miễn là có. Nhưng do không có mục tiêu tiết kiệm cụ thể nên các Bạn chỉ tiết kiệm được một thời gian đã vội vã bỏ cuộc vì không còn động lực, quyết tâm cùng “khí thế” ban đầu cũng nhanh chóng tan thành mây khói. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại như vậy theo chu kì: Quyết tâm tiết kiệm – Tiết kiệm được một thời gian – Chán nán – Bỏ cuộc.
Hoặc cũng có những Bạn vì không có mục tiêu tiết kiệm cụ thể nên thường hay rơi vào tình trạng: có khi cả tháng tằn tiện không tiêu gì để tiết kiệm, mấy ngày cuối tháng thấy tinh thần tiết kiệm của mình đáng được khen thưởng lại vui hơi quá, tiêu một phát hết luôn cả số tiền mình có, bao gồm cả khoản tiết kiệm kia.
Sai lầm trong tiết kiệm không có mục tiêu rõ ràng giống như việc Bạn đang mò mẫm đi trên một con đường tối tăm không có ánh sáng vậy. Có khả năng Bạn sẽ vẫn đi được đến cuối con đường, nhưng mất nhiều thời gian hơn và dễ dàng khiến Bạn bỏ cuộc hơn.
Có một mục tiêu tiết kiệm rõ ràng sẽ khiến quá trình tiết kiệm của bạn trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó Bạn cũng sẽ có khả năng đạt được nhiều “thành tựu” hơn trên con đường “nói khó mà không khó, nói dễ mà không dễ” này.
🧡💛💚 Lời khuyên cho Bạn: Đặt cho mình một mục tiêu cụ thể nhất có thể: tiết kiệm được bao nhiêu tiền trong thời gian bao lâu, hoặc đặt mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn (nhất định phải có con số cụ thể). Sau đó Bạn hãy viết mục tiêu của mình ra để ở một nơi nào đó mà Bạn dễ dàng nhìn thấy nhất như bàn học, bàn máy tính, như vậy Bạn có thể nhắc nhở bản thân về việc tiết kiệm mỗi ngày. 🧡💛💚
3. Mục tiêu tiết kiệm quá sức
Có một mục tiêu tiết kiệm là tốt, nhưng một mục tiêu tiết kiệm quá sức cũng sẽ là một lý do khiến Bạn thất bại trong việc này.
Một mục tiêu quá sức là khi Bạn dành quá nhiều tiền cho tiết kiệm, đến mức ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày bình thường của Bạn. Rõ ràng việc Bạn phải nhịn ăn nhịn uống cho một mục tiêu tiết kiệm quá sức là việc không hề tốt chút nào phải không nào?
Một mục tiêu tiết kiệm không thực tế sẽ phản tác dụng, khiến Bạn mệt mỏi, và kết quả là Bạn sẽ không còn đủ sức để đi đến cuối cùng của chặng đường nữa.
🧡💛💚 Lời khuyên cho Bạn: Đặt ra cho mình một mục tiêu thực tế mà Bạn chắc chắn có thể đạt được (sau khi cân đối với các khoản chi tiêu thiết yếu của bản thân). Hãy kéo dài thời gian tiết kiệm, hoặc giảm bớt số tiền cần tiết kiệm trong một quãng thời gian nhất định xuống để giảm gánh nặng cho chính mình nếu Bạn nhận ra mục tiêu của mình là quá sức. 🧡💛💚
4. “Có được bao nhiêu đâu”
Liệu đây có phải là câu cửa miệng của Bạn khi đó ai đó nhắc Bạn về việc gửi tiết kiệm thay vì chỉ để tiền trong tài khoản ATM hay đã đến lúc Bạn cần chi tiêu sáng suốt hơn?
Không ít Bạn cho rằng việc tiết kiệm từng đồng một như vậy cũng chẳng để làm gì. Bạn đâu có thiếu vài chục nghìn đó?
Nhưng chắc Bạn chưa hề nghĩ đến, vài chục nghìn ấy nếu được Bạn tích lũy nhiều lần trong một khoảng thời gian nhất định, sẽ biến thành một con số khiến Bạn phải bất ngờ. Không phải tự nhiên mà ông bà ta lại có câu “Tích tiểu thành đại” đâu.
Mọi công trình vĩ đại trên đời đều được xây dựng từ những viên gạch nhỏ nhất, “công trình tiết kiệm” cũng vậy, hãy bắt đầu thói quen tiết kiệm từ những con số nhỏ ngay từ bây giờ để có được thành quả tốt đẹp nhất trong tương lai.
🧡💛💚 Lời khuyên cho Bạn: Đừng bao giờ coi thường những khoản tiền nhỏ. Giữ thói quen tiết kiệm từ những khoản nhỏ nhất, kiên trì một thời gian dài, kết quả nhất định sẽ không khiến bạn thất vọng đâu. 🧡💛💚
5. Không để riêng tiền tiết kiệm và chi tiêu
Có một mục tiêu tiết kiệm rõ ràng, thực tế rồi, nhận được lương lập tức phân chia các khoản tiết kiệm-chi tiêu ngay, không bao giờ coi thường các khoản nhỏ, vậy mà vẫn thất bại trong việc tiết kiệm là sao?
Nếu Bạn gặp tình huống như trên, hãy thử nhìn lại xem, có phải Bạn đang mắc phải sai lầm trong tiết kiệm cuối cùng này không nhé.
Không để riêng tiền tiết kiệm và chi tiêu là sai lầm phổ biến mà các Bạn đang có kế hoạch tiết kiệm gặp phải. Nhiều Bạn thường có thói quen để tiền tiết kiệm và chi tiêu ở cùng một chỗ, không tách riêng ra, với lý do thường gặp nhất là để tiện hơn cho việc chi tiêu, sẵn tiền nào thì tiêu tiền ấy.
Tuy nhiên, thói quen này lại đang gây hại cho chính kế hoạch tiết kiệm của Bạn. Nếu để chung tiền tiết kiệm và chi tiêu với nhau, Bạn thường không ý thức được số tiền chỉ được phép tiêu trong lần mua sắm này hay cho cả kì chi tiêu này, do đó việc Bạn tiêu “nhầm” vào cả phần tiền đáng lẽ ra để tiết kiệm là hoàn toàn có thể xảy ra. Chỉ cần vài lần “nhầm” như vậy thôi, việc phải “bù” vào số tiền đã tiêu mất đã trở thành khó khăn và gánh nặng với Bạn rồi. Phần đa các Bạn rơi vào tình huống này, đến cuối cùng đều đi đến chung một suy nghĩ: Thôi, dù sao cũng đều là tiền của mình cả. KHỎI CẦN “BÙ” ĐI!
🧡💛💚 Lời khuyên cho Bạn: Tách riêng khoản tiền tiết kiệm và chi tiêu là một việc cần thiết. Hãy để tiền tiết kiệm vào một ngăn tủ bí mật nào đó, hoặc tạo một tài khoản riêng cho việc tiết kiệm (tốt nhất là hãy gửi tiền vào các APP tài chính như Finhay, Tikop hoặc ví Momo… để vừa quản lý được tiền, vừa có tiền lãi mỗi ngày nha Bạn) 🧡💛💚
6. Kết
Kế hoạch tiết kiệm 5 năm lần thứ nhất đã đổ bể, tiếp tục đến kế hoạch tiết kiệm 5 năm lần thứ hai… Không sao, “thất bại là mẹ thành công”, hãy bắt đầu lại sớm nhất ngay khi có thể và tránh xa 5 sai lầm trong tiết kiệm Mình đã chia sẻ với các Bạn trong bài viết này ra nhé.
Chúc các Bạn tiết kiệm đại thắng!
…
Một cô gái 2x tuổi luôn mong muốn có một Ngôi nhà riêng viết về tất cả những thứ mà cô ấy thích…
— Tiểu Anh